Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
226614

Kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2017 của xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 01/12/2017 (GMT+7)
100%

I. Đặc điểm tình hình chung
1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của xã Thiệu Viên.
Thiệu Viên là một xã nằm ở phía Tây Nam của huyện Thiệu Hoá. Có ranh giới với các xã:
- Phía Đông giáp xã Thiệu Vận.
- Phía Bắc và phía Tây Bắc giáp xã Thiệu Tâm.
- Phía Đông Nam giáp xã Thiệu Lý.
- Phía Nam giáp xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn.
Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 490,50 ha. Trong đó:
- Đất nông nghiệp có diện tích 318,66 ha, chiếm 64,96%.
- Đất phi nông nghiệp có diện tích 168,21 ha, chiếm 34,29%.
- Đất chưa sử dụng có diện tích 3,63ha, chiếm 0,75%.
Toàn xã có 11 thôn với 1.397 hộ tương ứng 5.077 người; tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 0,5%/năm.
Đảng bộ xã Thiệu Viên có 280 đồng chí Đảng viên thuộc 15 Chi bộ; gồm: 11 Chi bộ thôn, 3 Chi bộ nhà trường và 1 Chi bộ Quỹ tín dụng nhân dân. Hệ thống chính trị địa phương thường xuyên được củng cố và tăng cường nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, Đảng bộ được công nhận Đảng bộ trong sạch – vững mạnh từ năm 2001 đến nay.
Trong những năm gần đây, Đảng bộ, Chính quyền và các tầng lớp nhân dân tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; không ngừng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất trong nông nghiệp; quan tâm đẩy mạnh các thành phần kinh tế phát triển. Tỷ trọng các ngành kinh tế ở địa phương vào cuối năm 2016 đạt: Nông nghiệp - Thủy sản chiếm 30%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 26%, Dịch vụ - Thương mại chiếm 44%.
Đời sống văn hóa – xã hội thường xuyên được quan tâm. Chất lượng giáo dục được nâng cao, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được quan tâm. Do đó đã góp phần đẩy mạnh kinh tế - xã hội phát triển. Công tác quốc phòng – an ninh luôn được giữ vững.
2. Thuận lợi.
Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM trong điều kiện có nhiều thuận lợi, có thể nói Thiệu Viên cũng là nơi có nhiều truyền thống cách mạng, nhân dân chịu thương, chịu khó, đoàn kết và sáng tạo. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc ác liệt của Đế quốc Mỹ, nhân dân đã nhường nhà, giành đất cho cơ quan Tỉnh ủy làm việc và đã bảo vệ an toàn cho Tỉnh ủy trong những năm 1967 - 1973, Đảng bộ và nhân dân vẫn một lòng kiên trung theo Đảng. Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thực hiện Chương trình xây dựng NTM; Cấp ủy, Chính quyền, Đảng bộ và nhân dân trong xã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, công tác chính trị nội bộ ổn định, hệ thống chính trị được tăng cường, hoạt động có hiệu quả, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong việc xây dựng NTM. Đồng thời, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, HĐND, UBND và các cơ quan, Ban, Ngành cấp huyện, cấp tỉnh. Đây cũng là động lực tích cực để Đảng bộ, Chính quyền, MTTQ, các tổ chức Đoàn thể và các tầng lớp nhân dân địa phương xác định quyết tâm xây dựng mục tiêu, nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, tích cực quan tâm, chăm lo đời sống văn hóa – tinh thần cho nhân dân. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân, công tác quốc phòng – an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bộ mặt nông thôn đang có nhiều khởi sắc trong cộng đồng dân cư đang đóng góp phần quan trọng đẩy mạnh tiến độ hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM.
3. Khó khăn.
Là một xã thuần về nông nghiệp, địa hình đất đai không bằng phẳng do đó ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất của nhân dân trong xã. Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, giá cả các sản phẩm nông nghiệp quá thấp ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Nguồn thu ngân sách hằng năm của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình có liên quan đến 19 tiêu chí xây dựng NTM.
Là một xã được Ban thường vụ huyện ủy giao về đích xây dựng xã chuẩn NTM nhưng lại không được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Quyết định 3301/2015/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ 3,5 tỷ đồng cho công trình Trung tâm văn hóa thể thao xã mà chỉ được hỗ trợ 1,8 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương; về tỷ lệ phân chia tiền sử dụng đất không được hưởng tỷ lệ xã 80% - huyện 30% mà chỉ được hưởng tỷ lệ 50% - 50%. Rất thiệt thòi cho nhân dân Thiệu Viên và cũng là khó khăn rất lớn cho ngân sách địa phương khi xây dựng xã chuẩn nông thôn mới.
II. Căn cứ trin khai thực hiện
Căn cứ các văn bản chỉ đạo có liên quan của Trung ương và của địa phương như sau.
*Giai đoạn 2011 – 2016:
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định 342/QĐ-TTg ngày 20/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BNN&PTNT ngày 04/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 4296/2013/QĐ-UBND ngày 04/12/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc ban hành tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;
Căn cứ Căn cứ Quyết định số 2239/QĐ-UBND ngày 27/6/2012 của UBND huyện Thiệu Hóa v/v phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM xã Thiệu Viên giai đoạn 2011 – 2020. Căn cứ Quyết định số 9292/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 của UBND huyện Thiệu Hóa v/v phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng NTM xã Thiệu Viên giai đoạn 2015 – 2020;
*Giai đoạn 2016 – 2017:
Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020;
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020;
Căn cứ Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP ngày 09/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 1415/2017/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 – 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của Hội đồng nhân dân huyện Thiệu Hóa v/v hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa thôn, tiểu khu;
Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-ĐU ngày 03/3/2017 của Đảng ủy xã Thiệu Viên v/v tăng cường lãnh đạo của Đảng phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 17/2017/NQ-HĐND ngày 17/01/2017 của HĐND xã Thiệu Viên v/v hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa thôn trên địa bàn xã.
III. Kết quả chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới
1. Công tác chỉ đạo, Điều hành.
Sau khi tiếp thu các văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện; Đảng ủy đã triển khai, quán triệt đầy đủ các nội dung văn bản của cấp trên đến Chi bộ, Đảng viên và nhân dân trong xã, đồng thời ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM và chỉ đạo thành lập Ban quản lý xây dựng NTM xã; ở các thôn thành lập các Ban phát triển thôn. Hằng năm, BCĐ xây dựng NTM xã đã tổ chức hội nghị tổng kết nhằm đánh giá kết quả xây dựng NTM từng năm và định hướng các nhiệm vụ cho năm tiếp theo; củng cố, kiện toàn bộ máy BCĐ xây dựng NTM xã. Thành lập các tổ giúp việc cho BCĐ, phân công các thành viên trong BCĐ đến từng thôn.
Thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp Ủy, Chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ – các Đoàn thể chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong việc xây dựngNTM, đặc biệt là làm cho mọi người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của người dân là chủ thể trong xây dựng NTM. Hạn chế được tính thụ động, trông chờ, ỷ lại; chính vì vậy đã phát huy được sức mạnh của toàn dân và sự quan tâm hướng về xây dựng quê hương của con em xa quê, sự chung tay xây dựng NTM của các doanh nghiệp và sự đầu tư kích cầu từ ngân sách nhà nước các cấp. Đáp ứng cơ bản nhu cầu xây dựng kinh tế hạ tầng xã hội, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM ở địa phương.
2. Công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn
a) Công tác truyền thông.
Xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng NTM, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Với tinh thần đó, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên địa bàn đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng góp phần đóng góp tích cực vào thành công xây dựng NTM ở xã nhà.
Hằng năm, ngoài cái bài viết tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình và nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác xây dựng NTM trên hệ thống truyền thanh xã. Ban Văn hóa – thông tin xã đã xây dựng các pha nô, áp phích, khẩu hiệu…trên các trục đường giao thông chính trên địa bàn. Trong năm 2011 – 2016, số lượng pha nô, áp phích, khẩu hiệu đã triển khai là 50 cái; năm 2017 đã triển khai 20 cái.
b) Công tác đào tạo, tập huấn.
Công tác tập huấn, đào tạo cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới và các thành viên BCĐ xây dựng NTM xã luôn được BCĐ quan tâm thực hiện hàng năm; với hình thức đào tạo, tập huấn theo các lớp tập huấn được tỉnh, huyện tổ chức... trang bị các kiến thức cơ bản chung về Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; cách thức tổ chức triển khai, quản lý và điều phối thực hiện chương trình.
Nội dung đào tạo giúp đội ngũ cán bộ trong BCĐ xây dựng nông thôn mới xã thông thạo trong chỉ đạo, quản lý điều hành chương trình góp phần xây dựng thành công xã đạt chuẩn NTM.
Ngoài ra, Trung tâm học tập cộng đồng xã đã phối hợp cùng các cấp triển khai nhiều lớp đào tạo, tập huấn đến với người dân trong xã. Qua đó, các kiến thức về nghề nghiệp, kỹ năng trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp được nhân dân tiếp thu và áp dụng nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất.
Từ năm 2011 đến nay, đã có 45 lớp đào tạo, tập huấn với hơn 1.300 lượt người tham gia.
3. Công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân
a) Công tác phát triển sản xuất nông nghiệp.
Xã đã xây dựng, triển khai các kế hoạch thực hiện giảm dần diện tích các cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tích tụ ruộng đất thực hiện sản xuất theo hướng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới đồng bộ. Đồng thời, đưa giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao áp dụng vào sản xuất; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tăng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo nội dung Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Xã cũng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất cây, con giống; chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. HTX dịch vụ nông nghiệp bảo đảm các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, như: giống, phân bón, làm đất...; ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, thực hiện thuê đất của các hộ dân để tổ chức sản xuất. Các doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng đã thực hiện việc cung ứng giống, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm các loại cây trồng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Năm 2011 đạt 83 triệu/ha/năm lên 91 triệu/ha/năm vào năm 2016, ước tính năm 2017 đạt 100 triệu/ha/năm.Về cơ cấu kinh tế năm 2011, Nông nghiệp - Thủy sản chiếm 39%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 25%, Dịch vụ - Thương mại chiếm 36%. Đến năm 2016, cơ cấu kinh tế Nông nghiệp - Thủy sản chiếm 30%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 26%, Dịch vụ - Thương mại chiếm 44%.
*Về chăn nuôi:
Hằng năm, cấp Ủy, Chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo mở rộng các mô hình chăn nuôi. Thực hiện tốt công tác thú y trong chăn nuôi, tạo điều kiện về quỹ đất cho các hộ có nhu cầu phát triển kinh tế.
Xây dựng trang trại, gia trại cách xa khu dân cư; đàn gia súc, gia cầm hằng năm đều tăng, có nhiều hộ nuôi chim trĩ, bồ câu cho thu nhập khá cao. Bên cạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, xã còn hơn 17 hecta nuôi cá nước ngọt đã phát huy được hiệu quả kinh tế nhất là các hộ nuôi cá bột. Tính tổng bình quân từ chăn nuôi, năm 2011 đạt 13,4 tỉ đồng, năm 2016 đạt 21,5 tỉ đồng. Tuy nhiên tình hình chăn nuôi năm 2017 gặp nhiều khó khăn, ước tính thu nhập từ chăn nuôi năm 2017 chỉ đạt 15 tỉ đồng.
b) Công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn.
Hiện nay, các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn ở Thiệu Viên tiếp tục được quan tâm phát triển. Ngoài 01 doanh nghiệp sản xuất đồ may mặc, trên địa bàn còn một số hộ dân sản xuất đồ mộc, đồ cơ khí, gạch không nung…
Nhằm khuyến khích phát triển các sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn, UBND xã đã đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề, ứng dụng máy móc thiết bị, tiến bộ khoa học kỹ thuật… vào sản xuất gắn với tư vấn trợ giúp thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội ngành nghề; phối hợp tổ chức liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Từ các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, lao động việc làm ngành nghề đã mang lại tổng thu nhập năm 2011 đạt 34,1 tỉ đồng; đến năm 2016 đạt 93,4 tỉ đồng; ước thu nhập năm 2017 đạt 100,2 tỉ đồng.
c) Kết quả nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.
Địa phương liên tục tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ở khu vực nông thôn. Thông qua công tác khuyến nông, khuyến công; thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa ở những vùng sản xuất, trồng trọt tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông thôn.
Quan tâm, đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, công tác đào tạo nghề phải gắn với các mô hình, dự án sản xuất có hiệu quả; tạo điều kiện cho lao động nông thôn chuyển dịch việc làm sang sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đã phối hợp với Phòng Lao động thương binh & xã hội huyện và các công ty tư vấn lao động mở các lớp tư vấn, tuyển sinh xuất khẩu lao động sang các nước mang lại thu nhập cao; hiện nay có 44 lao động ở Hàn Quốc, 82 lao động ở Đài Loan và 70 lao động ở các nước khác.
Cùng đó, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của xã. Những năm qua, Thiệu Viên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình về giảm nghèo.
Đến nay, sau 7 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo trong xã năm 2011 là 17,8% đến năm 2016 giảm còn 3,69%; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 13,2 triệu đồng/người/năm tăng lên 29,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2016.
4. Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Tổng kinh phí đã thực hiện: 179.789 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương 2.286 triệu đồng, chiếm 1,3%;
- Ngân sách tỉnh 5.520 triệu đồng, chiếm 3,1%;
- Ngân sách huyện 8.473 triệu đồng, chiếm 4,7%;
- Ngân sách xã 16.151 triệu đồng, chiếm 9,0%;
- Vốn lồng ghép 646 triệu đồng, chiếm 0,4%;
- Vốn vay tín dụng 1.450 triệu đồng, chiếm 0,8%;
- Doanh nghiệp 10.535 triệu đồng, chiếm 5,9%;
- Nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng NTM 10.072 triệu đồng, chiếm 5,6%;
- Nhân dân tự đầu tư xây dựng 124.656 triệu đồng, chiếm 69,3%;
IV. Kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Tổng số tiêu chí xã tổ chức tự đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định là 19/19 tiêu chí, đạt 100%, cụ thể:
1. Về Quy hoạch(tiêu chí số1).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt và được công bố công khai đúng thời hạn.
- Ban hành quy định quản lý quy hoạch chung xây dựng xã và tổ chức thực hiện theo quy hoạch.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
- UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-UBND ngày 27/6/2012 v/v phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM xã Thiệu Viên giai đoạn 2011 – 2020, được UBND huyện ban hành Quyết định số 4774/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 v/v phê duyệt quy chế quản lý xây dựng quy hoạch nông thôn mới xã Thiệu Viên. Công tác công khai niêm yết quy hoạch NTM, công tác cắm mốc giới được thực hiện trên địa bàn 11 thôn trong xã.
- Trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng NTM xã Thiệu Viên giai đoạn 2011 – 2020 có những điểm không phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, UBND xã đã tiến hành xây dựng phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM xã Thiệu Viên giai đoạn 2015 – 2020 và đã được UBND huyện ban hành Quyết định số 9292/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 của UBND huyện Thiệu Hóa v/v phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng NTM xã Thiệu Viên giai đoạn 2015 – 2020.
- Tổng kinh phí thực hiện cho công tác Quy hoạch trong giai đoạn trên là 300 triệu đồng.
c) Tự đánh giá: đạt.
2. Về tiêu chí Giao thông (tiêu chí số 2).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện chiều rộng nền đường tối thiếu 6,5m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,5m được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Đạt 100%.
- Đường trục thôn và đường liên thôn chiều rộng nền đường tối thiếu 4,0m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0m được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm (có rãnh tiêu thoát nước mặt đường). Đạt 100% (≥70% cứng hóa).
- Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa, chiều rộng nền đường tối thiếu 4,0m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0m (trường hợp bất khả kháng nền đường tối thiểu 3,0m, mặt đường tối thiểu 2,0m và có rãnh tiêu thoát nước mặt đường); Với đường dân sinh chủ yếu phục vụ đi lại của người dân giữa các cụm dân cư và các hộ gia đình không có ô tô chạy nền đường tối thiểu 2,0m, mặt đường tối thiểu 1,5m. Đạt 100% (≥70% cứng hóa).
- Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm, chiều rộng nền đường tối thiếu 4,0m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0m. Đạt 100% (≥60% cứng hóa).
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Qua 7 năm xây dựng hệ thống giao thông nông thôn. Đến nay, khối lượng đường giao thông đã được cứng hóa trên địa bàn xã như sau:
- Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện: 9,2km/9,2km (100%).
- Đường trục thôn và đường liên thôn: 15,1km/15,1km(100%)
- Đường ngõ, xóm: 5,3km/5.5km (96,3%)
- Đường trục chính nội đồng: 7,44km/8,6km (86,5%)
Khối lượng đường giao thông được đầu tư, nâng cấp, cải tạo giai đoạn 2011-2017 như sau:
TT
Loại đường
Chiều dài (km)
Tổng mức đầu tư (triệu đồng)
1
Đường xã
1,7
2.550
2
Đường thôn
8,53
2.644
3
Đường ngõ, xóm
4,5
1.372
4
Đường nội đồng
6,8
2.176
Tổng
21,53
8.742
c) Tự đánh giá: đạt.
3. Về Thuỷ lợi (tiêu chí số 3).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên.
- Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
- Trong 7 năm xây dựng NTM, chiều dài kênh mương được UBND xã đầu tư xây dựng, cứng hóa là 8,88 km;. Hiện nay, số kênh mương trên toàn xã đã được cứng hóa là 17,22km/22,257km đảm bảo tưới tiêu cho 318/318 hecta (100%) đất canh tác.
- Hằng năm, UBND xã và Ban chỉ đạo phòng chống TT&TKCN xã đều có kế hoạch và thực hiện tốt phương án phòng chống thiên tai trên địa bàn.
- Tổng kinh phí thực hiện cho công tác thủy lợi trên địa bàn là 5.300 triệu đồng
c) Tự đánh giá: đạt.
4. Về Điện (tiêu chí số 4).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Có hệ thống đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện theo Quyết định số 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016 của Bộ Công thương về phương pháp đánh giá thực hiện theo tiêu chí số 4 về Điện nông thôn trong Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2016 - 2020.
- Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn theo Quyết định số 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016 của Bộ Công thương về phương pháp đánh giá thực hiện theo tiêu chí số 4 về Điện nông thôn trong Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2016 - 2020. Đạt từ 98% trở lên.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Hiện nay, hệ thống lưới điện xã Thiệu Viên đảm bảo phục vụ nhu cầu điện cho sản xuất và dân sinh trên địa bàn. Cụ thể như sau:
- Số trạm biến áp: 4 trạm; Tổng công suất: 800kVA
- Tỷ lệ tổn thất điện năng: 4,5%
- Hệ thống dây điện:
+ Cao áp (220kV, 110kV): 0 km;
+ Trung áp (35kV, 22kV, 10kV): 1,9 km;
+ Hạ áp (0,4kV): 18,7 km.
- Đầu tư về điện giai đoạn 2011-2016:
+ Tổng mức đầu tư: 5,5 tỷ đồng; Nguồn vốn: từ EVN.
+ Số trạm được đầu tư: 2 trạm; Số km dây được đầu tư: 7,8 km.
- Đầu tư về điện năm 2017:
+ Tổng mức đầu tư: 5,0 tỷ đồng; Nguồn vốn: từ EVN.
+ Số trạm được đầu tư: 1 trạm; Số km dây được đầu tư: 17,3 km.
- Số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 100%.
- Tổng kinh phí đã đầu tư cho điện xã là 10,5 tỷ đồng.
c) Tự đánh giá: đạt.
5. Về Trường học (tiêu chí số 5).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ trường học các cấp: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia đạt 80% trở lên.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
- Toàn xã có 3/3 trường: Mầm non, tiểu học và THCS xã đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.
- Ngoài sửa chữa thường xuyên cơ sở vật chất các trường qua từng năm để đáp ứng nhu cầu dạy và học cho các trường trên địa bàn xã. Năm 2014, UBND xã đầu tư xây dựng 1 khu nhà học 2 tầng cho trường Mầm non. Tổng mức đầu tư cho các trường học giai đoạn 2011 – 2017 là 3,1 tỷ đồng.
c) Tự đánh giá: đạt.
6. Về Cơ sở vật chất văn hoá (Tiêu chí số 6).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã theo quy định.
- Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi và đảm bảo điều kiện, nội dung hoạt động chống đuối nước cho trẻ em theo quy định.
- Tỷ lệ thôn, ấp có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng. Đạt 100%.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Trung tâm văn hoá - thể thao xã đạt chuẩn theo yêu cầu trong đó:
- Nhà hội trường có sức chứa 300 chỗ ngồi, với diện tích 450m2 được xây dựng năm 2013.
- Các phòng chức năng: phòng truyền thanh đã có và đang hoạt động; còn lại các phòng: phòng truyền thống, thư viện – tủ sách pháp luật và phòng câu lạc bộ đang xây dựng, dự kiến tháng 12/2017 đưa vào sử dụng.
- Sân thể thao xã có diện tích 9.100 m2 đang xây dựng với các hạng mục: sân bóng đá kích thước 60x90m; đường Pit quanh sân kích thước 300x2,5m; 2 sân bóng chuyền và các công trình phụ trợ như: nhà vệ sinh, nhà để xe.
- Ngoài sân thể thao trung tâm, năm 2017, UBND xã đã xây dựng thêm 2 cụm sân thể thao: sân cụm thôn 1 có diện tích 6.200 m2 và sân cụm thôn 9 có diện tích 5.600m2. Các sân thể thao này sẽ phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân các cụm dân cư trên.
11/11 thôn có nhà văn hoá thôn đạt chuẩn của Bộ VHTT&DL. Trong đó có 7 thôn đã xây dựng nhà văn hóa mới và 4 thôn cải tạo nhà văn hóa cũ để đạt chuẩn.
Toàn xã có 17 điểm vui chơi, giải trí, thể thao cho nhân dân địa phương. Gồm 11 nhà văn hóa thôn, 3 sân thể thao xã và 3 nhà trường.
Tổng kinh phí đã thực hiện cho cơ sở vật chất văn hóa xã là 7,2 tỷ đồng.
c) Tự đánh giá:đạt.
7. Về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (Tiêu chí số 7): xã không quy hoạch Chợ nông thôn.
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Xã có chợ trong quy hoạch của tỉnh phải xây dựng đạt chuẩn theo quy định; xã không quy hoạch chợ thì phải có cửa hàng kinh doanh tổng hợp hoặc siêu thị mini đạt chuẩn theo quy định tại Chương II, Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 08/12/2016 của Bộ Công thương về hướng dẫn và xét công nhận tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2016 - 2020.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Thiệu Viên không quy hoạch Chợ nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2020.
Căn cứ kết quả rà soát, đánh giá các cơ sở bán lẻ trên địa bàn xã. Toàn xã có 02 cửa hàng kinh doanh tổng hợp đáp ứng được các yêu cầu tiêu chí về Cửa hàng tổng hợp của Bộ Công thương.
Danh sách 02 cửa hàng kinh doanh tổng hợp như sau:
1. Cửa hàng tổng hợp Tuấn Hưng – Thôn 3, xã Thiệu Viên
2. Cửa hàng tổng hợp Luyến Thái – Thôn 4, xã Thiệu Viên.
c) Tự đánh giá: đạt.
8. Về Thông tin và truyền thông (Tiêu chí số 8).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Xã có điểm phục vụ bưu chính theo quy định của Bộ Thông tin và truyền thông.
- Xã có dịch vụ viễn thông, internet theo quy định của Bộ Thông tin và truyền thông định.
- Xã có đài truyền thanh hoạt động theo Quyết định số 1895/2013/QĐ-UBND ngày 06/6/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa; có tối thiểu 2/3 số thôn có hệ thống loa kết nối với Đài truyền thanh xã đang sử dụng tốt.
- Xã có trang thông tin điện tử riêng hoặc có trang thông tin điện tử thành phần trên trang Cổng thông tin điện tử huyện/thị/thành phố; 80% cán bộ, công chức xã có máy vi tính phục vụ nhiệm vụ chuyên môn; UBND xã được triển khai, ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc trong xử lý, điều hành các công việc; ứng dụng phần mềm để theo dõi nhiệm vụ của UBND huyện; có ứng dụng CNTT để hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (một cửa điện tử) theo Kế hoạch hành động số 01/KH-UBND ngày 04/01/2016 và Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 15/02/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
- Xã Thiệu Viên có 1 điểm phục vụ bưu chính với tổng diện tích 350m2.
- Trên địa bàn xã có triển khai các hệ thống dịch vụ viễn thông, internet từ nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau như VNPT, Viettel… Đến nay 100% người dân trong xã sử dụng dịch vụ viễn thông và hơn 35% số hộ trong xã sử dụng dịch vụ internet băng thông rộng.
- Đầu năm 2017, UBND tỉnh đã đầu tư hỗ trợ địa phương hệ thống truyền thanh không dây trị giá 250 triệu đồng, đảm bảo chất lượng hoạt động của Đài truyền thanh xã. Toàn xã có 11/11 thôn có hệ thống truyền thanh riêng, có kết nối tốt với đài của xã.
- Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các công việc hằng ngày của UBND xã rất mạnh mẽ. 100% số cán bộ, công chức xã được trang bị máy vi tính có kết nối mạng internet. Toàn bộ hệ thống văn bản nội bộ các cấp được gửi, nhận thông qua mạng lưới email do Văn phòng UBND quản lý. Ngoài ra, các chính sách, pháp luật và các hoạt động của Đảng ủy, UBND, HĐND và các tổ chức đoàn thể ở địa phương đều được đăng tải công khai trên website: http://thieuvien.thieuhoa.gov.vn/
- Tổng kinh phí đã thực hiện là 300 triệu đồng.
c) Tự đánh giá: đạt.
9. Về Nhà ở dân cư (Tiêu chí số 9).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Trên địa bàn xã không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, dột nát.
- Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 80% trở lên.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Sau 7 năm thực hiện Chương trình, toàn xã có 187 nhà ở được xây mới, 156 nhà ở sửa chữa. Tổng kinh phí nhân dân tự đầu tư xây dựng nhà ở ước tính 124,6 tỉ đồng. Hiện nay, tổng số nhà ở dân cư trên địa bàn xã là 1312 nhà.
Trong đó:
- Số hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã: 0 hộ.
- Số nhà ở đạt chuẩn BXD có số lượng: 1217/1312 nhà (đạt 92.76%)
Nhìn chung, nhà ở dân cư trên địa bàn tuân thủ theo quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được phê duyệt.Thuận tiện cho sinh hoạt và sản xuất của các hộ gia đình.
Nhà ở của nhân dân đều xây dựng hệ thống nước thải sinh hoạt, có hệ thống thoát nước vào mùa mưa để tránh tình trạng ngập úng. Đối với các hộ chăn nuôi thì đều xây dựng hệ thống nước thải sau khi đã xử lý, có bể chứa Biogas. Các hệ thống thoát nước đều có nắp đậy.Nhà ở của các hộ gia đình đều lắp đặt đầy đủ các thiết bị chiếu sáng, thông tin nghe nhìn… được bố trí phù hợp với khuôn viên khu đất, đảm bảo mỹ quan phù hợp với yêu cầu sử dụng đất.
c) Tự đánh giá: đạt.
10. Về Thu nhập (tiêu chí số 10).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn. Năm 2017: 29 triệu đồng/người/năm.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Nhờ những kết quả đạt được trong phát triển sản xuất, đào tạo việc làm ở địa phương, những năm qua đời sống của nhân dân trong xã được nâng cao rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng trưởng. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 qua thống kê, rà soát là 29,5 triệu đồng/người/năm.
So sánh thu nhập bình quân đầu người qua 3 năm gần đây là:
Năm
2015
2016
2017
Thu nhập bình quân đầu người
(triệu đồng/người/năm)
22,6
28
29,5
c) Tự đánh giá: đạt.
11. Về Hộ nghèo (tiêu chí số 11).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 đạt ≤5%.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
- Sau khi tổng hợp, phân tích kết quả cuộc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 theo chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 thì số hộ nghèo có 91 hộ đạt tỷ lệ 6,5%. Sau khi trừ đi 41 hộ nghèo bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo đạt 3,69%. Số hộ cận nghèo có 109 hộ, đạt 7,8%.
c) Tự đánh giá: đạt.
12. Về Lao động có việc làm(tiêu chí số 12).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt trên 93%.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Tỷ lệ lao động của việc làm thường xuyên trong xã là 2.910/3.092 người, đạt 94,1%. Trong đó:
- Lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp: 1151 người;
- Lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng: 949 người;
- Lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại: 810 người;
c) Tự đánh giá: đạt.
13. Về Tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Xã có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Trên địa bàn xã có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Thiệu Viên hoạt động dịch vụ nông nghiệp cho nhân dân trong xã. Ngành nghề kinh doanh: cung cấp vật tư nông nghiệp, giống cây trồng vật nuôi, dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ tưới tiêu. Ngoài ra, HTX DV NN tham mưu cho UBND xã các khâu kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân phát triển kinh tế.
Thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, năm 2016 HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật năm 2012. HTX đã tổ chức lại bộ máy, tăng vốn góp thành viên; hoạt động của HTX thực sự có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
- Vốn góp tối thiểu của thành viên HTX: 500.000 đồng/thành viên.
- Lợi nhuận trong năm 2015: 48.445.000 đồng.
- Lợi nhuận trong năm 2016: 65.404.000 đồng.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, trong thời gian qua, HTX đã tổ chức liên kết sản xuất với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể: HTX đã tổ chức ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa thương phẩm TH31 cùng công ty TNHH giống cây trồng Trường Thành với diện tích 20 hecta, khối lượng bao tiêu vụ Chiêm xuân là 130 tấn, vụ Mùa là 120 tấn.
c) Tự đánh giá: đạt.
14.Về Giáo dục và đào tạo (tiêu chí số 14).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mực độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 trở lên.
- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông và học nghề đạt 85% trở lên.
- Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 63% trở lên.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và phổ cập trung học cơ sở: đã đạt.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc và học nghề những năm gần đây đạt trung bình 89%. Cụ thể:
- Năm học 2014 – 2015, có 48/54=88,9% em học sinh tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc và học nghề.
- Năm học 2015 – 2016, có 42/47=89,4% em học sinh tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc và học nghề.
- Năm học 2016 – 2017, có 41/46=89,1% em học sinh tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc và học nghề.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 1.892/2.910 người đạt 65,02%. Trong đó:
- Số lao động có trình độ sau đại học: 1 người;
- Số lao động có trình độ đại học: 179 người;
- Số lao động có trình độ cao đẳng: 95 người;
- Số lao động có trình độ trung cấp: 123 người;
- Số lao động có trình độ chứng chỉ nghề: 1665 người;
c) Tự đánh giá: đạt.
15. Về Y tế (tiêu chí số 15).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85% trở lên.
- Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 24,2%.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Tính đến hết tháng 10/2017, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn toàn xã là: 4439/5077người đạt 87,43%. Trong đó có 3943 người tham gia BHYT trên địa bàn huyện, 127 người tham gia BHYT trên địa bàn ngoài huyện, 168 người tham gia BHYT trên địa bàn ngoài tỉnh và 201 người tham gia BHYT đang lao động, học tập ở nước ngoài.
Về Trạm y tế:
+ Diện tích khuôn viên trạm: 1151 m2;
+ Diện tích xây dựng: 300 m2;
+ Số lượng phòng: 15 phòng;
+ Cán bộ biên chế trạm: 4 người (gồm 1 bác sỹ và 3 y sỹ);
+ Năm đầu tư xây dựng: 2004;
+ Sửa chữa, cải tạo cơ sở hạ tầng: UBND xã thường xuyên sửa chữa, nâng cấp Trạm vào các năm 2013, 2016 và 2017;
+ Đạt chuẩn quốc gia về y tế: đã đạt xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, giai đoạn 2011 – 2020 vào năm 2014.
Về tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) là 82/498 trẻ (16,46%).
Tổng kinh phí đã thực hiện cho y tế là 500 triệu đồng.
c) Tự đánh giá: đạt.
16. Về Văn Hoá (tiêu chí số 16).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định đạt 70% trở lên.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Hiện nay, xã có 11/11 thôn (100%) đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định.
c) Tự đánh giá: đạt.
17. Về Môi trường và an toàn thực phẩm (tiêu chí số 17).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch đạt ≥98% với nước hợp vệ sinh và ≥60% nước sạch.
- Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 100%.
- Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn
- Mai táng phù hợp với quy định tại Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng và đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định của Bộ Y tế; việc mai táng được thực hiện tại vị trí xác định theo quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt
- Chất thải rắn sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định
- Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt 85% trở lên.
- Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 70% trở lên.
- Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 100%.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
- Toàn xã có 100% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và 842/1.397 hộ sử dụng máy lọc nước R.O đạt 60,3% sử dụng nước sạch. Ngoài ra có 1206/1397 hộ (86,3%) có nhà tiêu hợp vệ sinh; 1342/1397 hộ (96,1%) có nhà tắm hợp vệ sinh và 100% hộ có bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
- Đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ đạt yêu cầu, nhân dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Các khu dân cư đảm bảo xanh – sạch – đẹp. Trong năm 2017, nhân dân 11 thôn đã tự đầu tư xây dựng 3.100m mương thoát nước thải có nắp đậy trong khu dân cư, kinh phí thực hiện là 650 triệu đồng.
- Xã có 7/7 nghĩa trang được quy hoạch và quản lý, sử dụng theo quy hoạch. Các nghĩa trang trên địa bàn là: nghĩa trang Mã Trào, Bản Đung, Đồng Nhồi, Mã Mốm, Cồn Cù, Cửa Lăng và Văn Phú.
- Xã có 11/11 thôn đã thành lập các tổ thu gom rác thải, chất thải rắn tập kết về khu xử lý và hoạt động rất có hiệu quả. Trạm y tế xã có đơn vị xử lý rác thải y tế riêng, đảm bảo an toàn theo quy định.
- Năm 2016, UBND đầu tư xây dựng bãi xử lý rác thải ở địa phận Thôn 8 với mức đầu tư là 350 triệu đồng. Năm 2017, UBND tiếp tục đầu tư xây dựng 1 bãi xử lý rác thải trên địa phận thôn 3, ước tính mức đầu tư là 300 triệu đồng.
- Các hộ, các cơ sở chăn nuôi, chế biến, sản xuất kinh doanh đều cam kết và thực hiện tốt cam kết về đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trên địa bàn có 1 trang trại và 2 gia trại chăn nuôi tập trung, các cơ sở chăn nuôi đều đảm bảo tốt việc thực hiện vệ sinh môi trường. Ngoài ra, có 248/310 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 80%.
- Tổng kinh phí thực hiện là 1,5 tỉ đồng.
c) Tự đánh giá: đạt.
18. Về Hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật(tiêu chí số 18).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Cán bộ, công chức xã đạt chuẩn đạt 100%.
- Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định.
- Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn "trong sạch, vững mạnh"
- Tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên đạt 100%.
- Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định
- Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền, công chức, cán bộ và nhân dân xã Thiệu Viên luôn cố gắng phấn đấu và hoàn thành các nội dung của Tiêu chí số 18 về Hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật.
* Cán bộ, công chức xã đạt chuẩn là 20/20 người đạt 100%.
* Hệ thống chính trị cơ sở: Tổ chức Đảng; Chính quyền và Đoàn thể chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã có đầy đủ.
* Đảng bộ, chính quyền xã đạt chuẩn “Trong sạch, vững mạnh”.
* 100 các tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên.
* Xã đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định.
* Xã đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội:
- Xã có đồng chí Nguyễn Thị Tú là nữ lãnh đạo chủ chốt (Phó Bí thư Đảng ủy).
- 100% phụ nữ thuộc hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các nguồn tín dụng của Quỹ tín dụng nhân dân xã Thiệu Viên, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thiệu Hóa.
- Không có trường hợp tảo hôn, cưỡng ép kết hôn xảy ra trên địa bàn.
- Hàng tháng có bài tuyên truyền về bình đẳng giới trên hệ thống truyền thanh của xã.
- 11/11 thôn có địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cho các nạn nhân bị bạo lực giới và bạo lực gia đình.
c) Tự đánh giá: đạt.
19. Về Quốc phòng và an ninh(tiêu chí số 19).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng.
- Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên: không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
* Về quốc phòng:
Thiệu Viên đã xây dựng được lực lượng dân quân vững mạnh, rộng khắp; thực hiện tốt việc tuyển chọn và gọi công dân đi nhập ngũ hằng năm theo quy định.
Hệ thống sổ sách, kế hoạch của Ban chỉ huy quân sự xã thường xuyên được kiện toàn, bổ sung. Hằng năm, tổ chức tập huấn, huấn luyện cho dân quân năm thứ nhất, dân quân cơ động đạt kết quả tốt. Công tác tuyển quân nhập ngũ hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
* Về an ninh:
Hằng năm, Đảng ủy, UBND ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch về công tác Quốc phòng – an ninh. Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội. Công an xã đạt danh hiệu tiên tiến. Trên địa bàn không có hoạt động chống Đảng, Chính quyền, phá hoại kinh tế, truyền đạo trái pháp luật, khiếu kiện đông người kéo dài…Không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, không phát sinh thêm người mắc các tệ nạn XH. Không có trọng án xảy ra trên địa bàn cơ sở.
Trên địa bàn xã có 10/11 thôn đạt chuẩn về an ninh trật tự.
c) Tự đánh giá: đạt.
V. Đánh giá chung
1. Những mặt đã làm được
Xác định xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hợp lòng dân, mục tiêu xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, diện mạo của nông thôn ngày càng đổi mới. Sau 7 năm từ năm 2011 đến nay, cấp Ủy, Chính quyền đã triển khai, lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở địa phương có những mặt đã làm được như sau:
- Đã làm tốt được công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong xã. Về vấn đề nhận thức đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên đã được nâng cao rõ rệt, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức ngày càng nâng cao; không có cán bộ, Đảng viên vi phạm pháp luật. Đã phát huy được tinh thần dân chủ trong nhân dân, thể hiện được tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, người dân thực sự tin tưởng vào Đảng vào Chính quyền địa phương và có trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh.
- Về phát triển kinh tế được cấp Ủy thường xuyên quan tâm tăng cường chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nhằm nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất đồng bộ, liên doanh, liên kết sản xuất nâng cao hiệu quả sản xuất với phương châm giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ - thương mại. Năm 2011, Nông nghiệp - Thủy sản chiếm 39%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 25%, Dịch vụ - Thương mại chiếm 36%. Đến năm 2016, cơ cấu kinh tế Nông nghiệp - Thủy sản chiếm 30%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 26%, Dịch vụ - Thương mại chiếm 44%. Bên cạnh phát triển nông nghiệp, phải quan tâm đẩy mạnh hoạt động công nghiệp, tiểu thu công nghiệp, ngành nghề cho người lao động, trước mắt mũi nhọn là xuất khẩu lao động. Hiện nay, toàn xã có khoảng 2.900 lao động, trong đó số lao động xuất khẩu là 196 người. Ngoài ra, còn một lượng lớn lao động trong nghề xây dựng và lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Mỗi năm, ước tính tổng thu nhập từ lực lượng lao động này đạt hơn 100 tỉ đồng. Từ hiệu quả thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Nhân dân có điều kiện chỉnh trang nhà ở dân cư, khu dân cư, bộ mặt nông thôn đổi mới rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã năm 2011 là 17,8% đến năm 2016 giảm còn 3,69%; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 13,2 triệu đồng/người/năm tăng lên 29,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2016.
- Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục, 3 trường vẫn giữ vững danh hiệu Trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Trường tiểu học xã đang phấn đấu đạt chuẩn mức độ 2. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế từ năm 2014. Phong trào toàn dân đoàn kết, đô thị văn minh được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực, đã thành lập được các ngõ tự quản, tình làng nghĩa xóm được nâng lên, thân thiện và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Trong phát triển kinh tế hộ, chấp hành pháp luật, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang, 11 thôn và 3 nhà trường được công nhận là thôn làng văn hóa và trường học có nếp sống văn hóa.
- Công tác quốc phòng – an ninh được giữ vững. Hằng năm, cấp Ủy đều xây dựng Nghị quyết lãnh đạo công tác quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác huấn luyện dân quân; hoàn thành các chỉ tiêu tuyển quân. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, không có các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra.
- Dân chủ trong nhân dân được phát huy, thường xuyên làm tốt công tác công khai dân chủ. Do đó, không có biểu hiện đơn thư ở địa phương. Hệ thống chính trị được tăng cường, hoạt động có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ được quy hoạch, đào tạo cơ bản, 100% cán bộ, công chức đạt chuẩn theo quy định.
- Đảng bộ luên tục được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Chính quyền, MTTQ và các Đoàn thể đều được cấp trên đánh giá là đơn vị vững mạnh, hằng năm đều được khen thưởng.
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
*Hạn chế:
Công tác tuyên truyền vẫn còn hạn chế, nhận thức của một bộ phận nhân dân và một số cán bộ đảng viên, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chung tay xây dựng NTM.
Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền vẫn còn một số hạn chế, một số ít thành viên chưa thể hiện tốt công tác tham mưu BCĐ, cấp Ủy, chính quyền trong việc xây dựng các giải pháp để tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
*Nguyên nhân:
Xuất phát điểm của xã còn thấp, trong khí nguồn lực của cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Chương trình triển khai vào thời kỳ suy thoái kinh tế, việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn.
Về chủ quan, nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, vẫn còn có tư tưởng thụ động, trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là từ ngân sách Trung ương.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền vẫn còn những chỗ thiếu sâu sát, quyết liệt; sự tham gia của một số tổ chức cơ sở Đảng và đoàn thể vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, tiêu chí, cơ chế chính sách có một số điểm chưa phù hợp, vận dụng máy móc kém hiệu quả, thậm chí gây lãng phí nguồn lực; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chậm phát huy hiệu quả như mong đợi.
3. Bài học kinh nghiệm
Trong quá trình quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cần rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, mục tiêu xây dựng NTM nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; đồng thời phải làm cho mọi tầng lớp nhân dân coi việc xây dựng NTM là việc của dân, người dân là chủ thể đóng góp vai trò quyết định trong việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở địa phương.
Hai là, nâng cao nhận thực của các cấp Ủy, Chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong việc tổ chức thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn phát huy được tinh thần trách nhiệm, giương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là phát huy được trách nhiệm của người đứng đầu; đây là yếu tố quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ba là, trong quá trình tổ chức thực hiện phải xây dựng được kế hoạch, lộ trình, thời gian cụ thể cho từng năm; phải phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo trên cơ sở kế hoạch hàng tháng, hàng quý và hàng năm.
Bốn là, phải thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhân dân, phát huy tính chủ thể của người dân trong việc tham gia bàn bạc, quyết định những nội dung, phần việc mà nhân dân góp sức tham gia xây dựng nông thôn mới.
Năm là, phải khơi dậy được sức mạnh và sự đồng thuận của toàn dân trong việc tham gia nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, đồng thời phải động việc khích lệ sự đóng góp của con em xa quê chung tay hướng về quê hương xây dựng NTM và phải có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp Nhà nước trong xây dựng NTM ở địa phương.
VI. Kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới
1. Quan điểm
Hoàn thành xã đạt chuẩn NTM không có nghĩa là dừng lại Chương trình xây dựng NTM ở địa phương, bởi ngoài những tiêu chí NTM đạt được ở mức độ “chắc” thì vẫn có những tiêu chí rất dễ biến động như Tiêu chí về Hộ nghèo, tiêu chí về tỷ lệ người dân tham gia BHYT…
2. Mục tiêu
Thường xuyên rà soát lại tất cả các tiêu chí NTM và xây dựng kế hoạch, giải pháp củng cố, và nâng cao chất lượng các tiêu chí với quyết tâm không để tiêu chí nào “rớt chuẩn”. Đặc biệt là những tiêu chí có khả năng biến động như: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, môi trường, trường học, văn hóa...
3. Nội dung nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới
BCĐ xây dựng NTM xã phối hợp cùng UBND xã thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng từng tiêu chí để kịp thời có giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng. Địa phương xây dựng NTM với quyết tâm không để cho tiêu chí nào "rớt" so với yêu cầu, đặc biệt là đối với những tiêu chí có khả năng biến động như môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người, trường học...
Kế hoạch những năm tiếp theo trong giai đoạn 2017 – 2020, địa phương tiếp tục củng cố hệ thống thủy lợi nội đồng, đầu tư xây dựng cầu cống, nạo vét kênh mương và cứng hóa đạt chuẩn một số kênh mương chính... bảo đảm phục vụ sản xuất. Cùng đó, xã tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất cho các trường học, trạm y tế xã và công sở UBND xã. Đối với hệ thống đường giao thông, địa phương sẽ tiến hành tu sửa, nâng cấp mở rộng một số tuyến liên thôn, xây dựng hệ thống thoát nước…
Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, mặc dù đã có 100% thôn, xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn nhưng xã sẽ thường xuyên chỉ đạo các thôn, xóm tu sửa, xây dựng hoàn chỉnh sân, công trình vệ sinh và mua sắm đầy đủ trang thiết bị như loa đài, bàn ghế... phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân.
Xác định rõ, trong xây dựng NTM, mục đích cuối cùng là làm cho đời sống của người dân địa phương ngày càng được cải thiện, nâng cao, Thiệu Viên không chỉ quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng mà Đảng ủy, chính quyền địa phương còn đề ra nhiều giải pháp giúp người nâng cao thu nhập về sản xuất nông nghiệp và sản xuất thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.
Trên đây là báo cáo kết quả rà soát, đánh giá quá trình triển khai và thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM trên địa bàn xã Thiệu Viên trong năm 2017.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ
CHỦ TỊCH
Nghiêm Quang Hải

Kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2017 của xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 01/12/2017 (GMT+7)
100%

I. Đặc điểm tình hình chung
1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của xã Thiệu Viên.
Thiệu Viên là một xã nằm ở phía Tây Nam của huyện Thiệu Hoá. Có ranh giới với các xã:
- Phía Đông giáp xã Thiệu Vận.
- Phía Bắc và phía Tây Bắc giáp xã Thiệu Tâm.
- Phía Đông Nam giáp xã Thiệu Lý.
- Phía Nam giáp xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn.
Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 490,50 ha. Trong đó:
- Đất nông nghiệp có diện tích 318,66 ha, chiếm 64,96%.
- Đất phi nông nghiệp có diện tích 168,21 ha, chiếm 34,29%.
- Đất chưa sử dụng có diện tích 3,63ha, chiếm 0,75%.
Toàn xã có 11 thôn với 1.397 hộ tương ứng 5.077 người; tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 0,5%/năm.
Đảng bộ xã Thiệu Viên có 280 đồng chí Đảng viên thuộc 15 Chi bộ; gồm: 11 Chi bộ thôn, 3 Chi bộ nhà trường và 1 Chi bộ Quỹ tín dụng nhân dân. Hệ thống chính trị địa phương thường xuyên được củng cố và tăng cường nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, Đảng bộ được công nhận Đảng bộ trong sạch – vững mạnh từ năm 2001 đến nay.
Trong những năm gần đây, Đảng bộ, Chính quyền và các tầng lớp nhân dân tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; không ngừng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất trong nông nghiệp; quan tâm đẩy mạnh các thành phần kinh tế phát triển. Tỷ trọng các ngành kinh tế ở địa phương vào cuối năm 2016 đạt: Nông nghiệp - Thủy sản chiếm 30%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 26%, Dịch vụ - Thương mại chiếm 44%.
Đời sống văn hóa – xã hội thường xuyên được quan tâm. Chất lượng giáo dục được nâng cao, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được quan tâm. Do đó đã góp phần đẩy mạnh kinh tế - xã hội phát triển. Công tác quốc phòng – an ninh luôn được giữ vững.
2. Thuận lợi.
Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM trong điều kiện có nhiều thuận lợi, có thể nói Thiệu Viên cũng là nơi có nhiều truyền thống cách mạng, nhân dân chịu thương, chịu khó, đoàn kết và sáng tạo. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc ác liệt của Đế quốc Mỹ, nhân dân đã nhường nhà, giành đất cho cơ quan Tỉnh ủy làm việc và đã bảo vệ an toàn cho Tỉnh ủy trong những năm 1967 - 1973, Đảng bộ và nhân dân vẫn một lòng kiên trung theo Đảng. Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thực hiện Chương trình xây dựng NTM; Cấp ủy, Chính quyền, Đảng bộ và nhân dân trong xã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, công tác chính trị nội bộ ổn định, hệ thống chính trị được tăng cường, hoạt động có hiệu quả, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong việc xây dựng NTM. Đồng thời, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, HĐND, UBND và các cơ quan, Ban, Ngành cấp huyện, cấp tỉnh. Đây cũng là động lực tích cực để Đảng bộ, Chính quyền, MTTQ, các tổ chức Đoàn thể và các tầng lớp nhân dân địa phương xác định quyết tâm xây dựng mục tiêu, nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, tích cực quan tâm, chăm lo đời sống văn hóa – tinh thần cho nhân dân. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân, công tác quốc phòng – an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bộ mặt nông thôn đang có nhiều khởi sắc trong cộng đồng dân cư đang đóng góp phần quan trọng đẩy mạnh tiến độ hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM.
3. Khó khăn.
Là một xã thuần về nông nghiệp, địa hình đất đai không bằng phẳng do đó ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất của nhân dân trong xã. Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, giá cả các sản phẩm nông nghiệp quá thấp ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Nguồn thu ngân sách hằng năm của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình có liên quan đến 19 tiêu chí xây dựng NTM.
Là một xã được Ban thường vụ huyện ủy giao về đích xây dựng xã chuẩn NTM nhưng lại không được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Quyết định 3301/2015/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ 3,5 tỷ đồng cho công trình Trung tâm văn hóa thể thao xã mà chỉ được hỗ trợ 1,8 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương; về tỷ lệ phân chia tiền sử dụng đất không được hưởng tỷ lệ xã 80% - huyện 30% mà chỉ được hưởng tỷ lệ 50% - 50%. Rất thiệt thòi cho nhân dân Thiệu Viên và cũng là khó khăn rất lớn cho ngân sách địa phương khi xây dựng xã chuẩn nông thôn mới.
II. Căn cứ trin khai thực hiện
Căn cứ các văn bản chỉ đạo có liên quan của Trung ương và của địa phương như sau.
*Giai đoạn 2011 – 2016:
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định 342/QĐ-TTg ngày 20/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BNN&PTNT ngày 04/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 4296/2013/QĐ-UBND ngày 04/12/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc ban hành tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;
Căn cứ Căn cứ Quyết định số 2239/QĐ-UBND ngày 27/6/2012 của UBND huyện Thiệu Hóa v/v phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM xã Thiệu Viên giai đoạn 2011 – 2020. Căn cứ Quyết định số 9292/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 của UBND huyện Thiệu Hóa v/v phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng NTM xã Thiệu Viên giai đoạn 2015 – 2020;
*Giai đoạn 2016 – 2017:
Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020;
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020;
Căn cứ Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP ngày 09/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 1415/2017/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 – 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của Hội đồng nhân dân huyện Thiệu Hóa v/v hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa thôn, tiểu khu;
Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-ĐU ngày 03/3/2017 của Đảng ủy xã Thiệu Viên v/v tăng cường lãnh đạo của Đảng phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 17/2017/NQ-HĐND ngày 17/01/2017 của HĐND xã Thiệu Viên v/v hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa thôn trên địa bàn xã.
III. Kết quả chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới
1. Công tác chỉ đạo, Điều hành.
Sau khi tiếp thu các văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện; Đảng ủy đã triển khai, quán triệt đầy đủ các nội dung văn bản của cấp trên đến Chi bộ, Đảng viên và nhân dân trong xã, đồng thời ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM và chỉ đạo thành lập Ban quản lý xây dựng NTM xã; ở các thôn thành lập các Ban phát triển thôn. Hằng năm, BCĐ xây dựng NTM xã đã tổ chức hội nghị tổng kết nhằm đánh giá kết quả xây dựng NTM từng năm và định hướng các nhiệm vụ cho năm tiếp theo; củng cố, kiện toàn bộ máy BCĐ xây dựng NTM xã. Thành lập các tổ giúp việc cho BCĐ, phân công các thành viên trong BCĐ đến từng thôn.
Thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp Ủy, Chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ – các Đoàn thể chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong việc xây dựngNTM, đặc biệt là làm cho mọi người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của người dân là chủ thể trong xây dựng NTM. Hạn chế được tính thụ động, trông chờ, ỷ lại; chính vì vậy đã phát huy được sức mạnh của toàn dân và sự quan tâm hướng về xây dựng quê hương của con em xa quê, sự chung tay xây dựng NTM của các doanh nghiệp và sự đầu tư kích cầu từ ngân sách nhà nước các cấp. Đáp ứng cơ bản nhu cầu xây dựng kinh tế hạ tầng xã hội, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM ở địa phương.
2. Công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn
a) Công tác truyền thông.
Xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng NTM, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Với tinh thần đó, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên địa bàn đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng góp phần đóng góp tích cực vào thành công xây dựng NTM ở xã nhà.
Hằng năm, ngoài cái bài viết tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình và nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác xây dựng NTM trên hệ thống truyền thanh xã. Ban Văn hóa – thông tin xã đã xây dựng các pha nô, áp phích, khẩu hiệu…trên các trục đường giao thông chính trên địa bàn. Trong năm 2011 – 2016, số lượng pha nô, áp phích, khẩu hiệu đã triển khai là 50 cái; năm 2017 đã triển khai 20 cái.
b) Công tác đào tạo, tập huấn.
Công tác tập huấn, đào tạo cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới và các thành viên BCĐ xây dựng NTM xã luôn được BCĐ quan tâm thực hiện hàng năm; với hình thức đào tạo, tập huấn theo các lớp tập huấn được tỉnh, huyện tổ chức... trang bị các kiến thức cơ bản chung về Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; cách thức tổ chức triển khai, quản lý và điều phối thực hiện chương trình.
Nội dung đào tạo giúp đội ngũ cán bộ trong BCĐ xây dựng nông thôn mới xã thông thạo trong chỉ đạo, quản lý điều hành chương trình góp phần xây dựng thành công xã đạt chuẩn NTM.
Ngoài ra, Trung tâm học tập cộng đồng xã đã phối hợp cùng các cấp triển khai nhiều lớp đào tạo, tập huấn đến với người dân trong xã. Qua đó, các kiến thức về nghề nghiệp, kỹ năng trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp được nhân dân tiếp thu và áp dụng nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất.
Từ năm 2011 đến nay, đã có 45 lớp đào tạo, tập huấn với hơn 1.300 lượt người tham gia.
3. Công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân
a) Công tác phát triển sản xuất nông nghiệp.
Xã đã xây dựng, triển khai các kế hoạch thực hiện giảm dần diện tích các cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tích tụ ruộng đất thực hiện sản xuất theo hướng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới đồng bộ. Đồng thời, đưa giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao áp dụng vào sản xuất; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tăng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo nội dung Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Xã cũng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất cây, con giống; chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. HTX dịch vụ nông nghiệp bảo đảm các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, như: giống, phân bón, làm đất...; ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, thực hiện thuê đất của các hộ dân để tổ chức sản xuất. Các doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng đã thực hiện việc cung ứng giống, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm các loại cây trồng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Năm 2011 đạt 83 triệu/ha/năm lên 91 triệu/ha/năm vào năm 2016, ước tính năm 2017 đạt 100 triệu/ha/năm.Về cơ cấu kinh tế năm 2011, Nông nghiệp - Thủy sản chiếm 39%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 25%, Dịch vụ - Thương mại chiếm 36%. Đến năm 2016, cơ cấu kinh tế Nông nghiệp - Thủy sản chiếm 30%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 26%, Dịch vụ - Thương mại chiếm 44%.
*Về chăn nuôi:
Hằng năm, cấp Ủy, Chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo mở rộng các mô hình chăn nuôi. Thực hiện tốt công tác thú y trong chăn nuôi, tạo điều kiện về quỹ đất cho các hộ có nhu cầu phát triển kinh tế.
Xây dựng trang trại, gia trại cách xa khu dân cư; đàn gia súc, gia cầm hằng năm đều tăng, có nhiều hộ nuôi chim trĩ, bồ câu cho thu nhập khá cao. Bên cạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, xã còn hơn 17 hecta nuôi cá nước ngọt đã phát huy được hiệu quả kinh tế nhất là các hộ nuôi cá bột. Tính tổng bình quân từ chăn nuôi, năm 2011 đạt 13,4 tỉ đồng, năm 2016 đạt 21,5 tỉ đồng. Tuy nhiên tình hình chăn nuôi năm 2017 gặp nhiều khó khăn, ước tính thu nhập từ chăn nuôi năm 2017 chỉ đạt 15 tỉ đồng.
b) Công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn.
Hiện nay, các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn ở Thiệu Viên tiếp tục được quan tâm phát triển. Ngoài 01 doanh nghiệp sản xuất đồ may mặc, trên địa bàn còn một số hộ dân sản xuất đồ mộc, đồ cơ khí, gạch không nung…
Nhằm khuyến khích phát triển các sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn, UBND xã đã đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề, ứng dụng máy móc thiết bị, tiến bộ khoa học kỹ thuật… vào sản xuất gắn với tư vấn trợ giúp thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội ngành nghề; phối hợp tổ chức liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Từ các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, lao động việc làm ngành nghề đã mang lại tổng thu nhập năm 2011 đạt 34,1 tỉ đồng; đến năm 2016 đạt 93,4 tỉ đồng; ước thu nhập năm 2017 đạt 100,2 tỉ đồng.
c) Kết quả nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.
Địa phương liên tục tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ở khu vực nông thôn. Thông qua công tác khuyến nông, khuyến công; thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa ở những vùng sản xuất, trồng trọt tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông thôn.
Quan tâm, đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, công tác đào tạo nghề phải gắn với các mô hình, dự án sản xuất có hiệu quả; tạo điều kiện cho lao động nông thôn chuyển dịch việc làm sang sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đã phối hợp với Phòng Lao động thương binh & xã hội huyện và các công ty tư vấn lao động mở các lớp tư vấn, tuyển sinh xuất khẩu lao động sang các nước mang lại thu nhập cao; hiện nay có 44 lao động ở Hàn Quốc, 82 lao động ở Đài Loan và 70 lao động ở các nước khác.
Cùng đó, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của xã. Những năm qua, Thiệu Viên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình về giảm nghèo.
Đến nay, sau 7 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo trong xã năm 2011 là 17,8% đến năm 2016 giảm còn 3,69%; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 13,2 triệu đồng/người/năm tăng lên 29,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2016.
4. Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Tổng kinh phí đã thực hiện: 179.789 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương 2.286 triệu đồng, chiếm 1,3%;
- Ngân sách tỉnh 5.520 triệu đồng, chiếm 3,1%;
- Ngân sách huyện 8.473 triệu đồng, chiếm 4,7%;
- Ngân sách xã 16.151 triệu đồng, chiếm 9,0%;
- Vốn lồng ghép 646 triệu đồng, chiếm 0,4%;
- Vốn vay tín dụng 1.450 triệu đồng, chiếm 0,8%;
- Doanh nghiệp 10.535 triệu đồng, chiếm 5,9%;
- Nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng NTM 10.072 triệu đồng, chiếm 5,6%;
- Nhân dân tự đầu tư xây dựng 124.656 triệu đồng, chiếm 69,3%;
IV. Kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Tổng số tiêu chí xã tổ chức tự đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định là 19/19 tiêu chí, đạt 100%, cụ thể:
1. Về Quy hoạch(tiêu chí số1).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt và được công bố công khai đúng thời hạn.
- Ban hành quy định quản lý quy hoạch chung xây dựng xã và tổ chức thực hiện theo quy hoạch.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
- UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-UBND ngày 27/6/2012 v/v phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM xã Thiệu Viên giai đoạn 2011 – 2020, được UBND huyện ban hành Quyết định số 4774/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 v/v phê duyệt quy chế quản lý xây dựng quy hoạch nông thôn mới xã Thiệu Viên. Công tác công khai niêm yết quy hoạch NTM, công tác cắm mốc giới được thực hiện trên địa bàn 11 thôn trong xã.
- Trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng NTM xã Thiệu Viên giai đoạn 2011 – 2020 có những điểm không phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, UBND xã đã tiến hành xây dựng phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM xã Thiệu Viên giai đoạn 2015 – 2020 và đã được UBND huyện ban hành Quyết định số 9292/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 của UBND huyện Thiệu Hóa v/v phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng NTM xã Thiệu Viên giai đoạn 2015 – 2020.
- Tổng kinh phí thực hiện cho công tác Quy hoạch trong giai đoạn trên là 300 triệu đồng.
c) Tự đánh giá: đạt.
2. Về tiêu chí Giao thông (tiêu chí số 2).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện chiều rộng nền đường tối thiếu 6,5m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,5m được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Đạt 100%.
- Đường trục thôn và đường liên thôn chiều rộng nền đường tối thiếu 4,0m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0m được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm (có rãnh tiêu thoát nước mặt đường). Đạt 100% (≥70% cứng hóa).
- Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa, chiều rộng nền đường tối thiếu 4,0m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0m (trường hợp bất khả kháng nền đường tối thiểu 3,0m, mặt đường tối thiểu 2,0m và có rãnh tiêu thoát nước mặt đường); Với đường dân sinh chủ yếu phục vụ đi lại của người dân giữa các cụm dân cư và các hộ gia đình không có ô tô chạy nền đường tối thiểu 2,0m, mặt đường tối thiểu 1,5m. Đạt 100% (≥70% cứng hóa).
- Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm, chiều rộng nền đường tối thiếu 4,0m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0m. Đạt 100% (≥60% cứng hóa).
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Qua 7 năm xây dựng hệ thống giao thông nông thôn. Đến nay, khối lượng đường giao thông đã được cứng hóa trên địa bàn xã như sau:
- Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện: 9,2km/9,2km (100%).
- Đường trục thôn và đường liên thôn: 15,1km/15,1km(100%)
- Đường ngõ, xóm: 5,3km/5.5km (96,3%)
- Đường trục chính nội đồng: 7,44km/8,6km (86,5%)
Khối lượng đường giao thông được đầu tư, nâng cấp, cải tạo giai đoạn 2011-2017 như sau:
TT
Loại đường
Chiều dài (km)
Tổng mức đầu tư (triệu đồng)
1
Đường xã
1,7
2.550
2
Đường thôn
8,53
2.644
3
Đường ngõ, xóm
4,5
1.372
4
Đường nội đồng
6,8
2.176
Tổng
21,53
8.742
c) Tự đánh giá: đạt.
3. Về Thuỷ lợi (tiêu chí số 3).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên.
- Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
- Trong 7 năm xây dựng NTM, chiều dài kênh mương được UBND xã đầu tư xây dựng, cứng hóa là 8,88 km;. Hiện nay, số kênh mương trên toàn xã đã được cứng hóa là 17,22km/22,257km đảm bảo tưới tiêu cho 318/318 hecta (100%) đất canh tác.
- Hằng năm, UBND xã và Ban chỉ đạo phòng chống TT&TKCN xã đều có kế hoạch và thực hiện tốt phương án phòng chống thiên tai trên địa bàn.
- Tổng kinh phí thực hiện cho công tác thủy lợi trên địa bàn là 5.300 triệu đồng
c) Tự đánh giá: đạt.
4. Về Điện (tiêu chí số 4).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Có hệ thống đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện theo Quyết định số 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016 của Bộ Công thương về phương pháp đánh giá thực hiện theo tiêu chí số 4 về Điện nông thôn trong Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2016 - 2020.
- Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn theo Quyết định số 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016 của Bộ Công thương về phương pháp đánh giá thực hiện theo tiêu chí số 4 về Điện nông thôn trong Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2016 - 2020. Đạt từ 98% trở lên.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Hiện nay, hệ thống lưới điện xã Thiệu Viên đảm bảo phục vụ nhu cầu điện cho sản xuất và dân sinh trên địa bàn. Cụ thể như sau:
- Số trạm biến áp: 4 trạm; Tổng công suất: 800kVA
- Tỷ lệ tổn thất điện năng: 4,5%
- Hệ thống dây điện:
+ Cao áp (220kV, 110kV): 0 km;
+ Trung áp (35kV, 22kV, 10kV): 1,9 km;
+ Hạ áp (0,4kV): 18,7 km.
- Đầu tư về điện giai đoạn 2011-2016:
+ Tổng mức đầu tư: 5,5 tỷ đồng; Nguồn vốn: từ EVN.
+ Số trạm được đầu tư: 2 trạm; Số km dây được đầu tư: 7,8 km.
- Đầu tư về điện năm 2017:
+ Tổng mức đầu tư: 5,0 tỷ đồng; Nguồn vốn: từ EVN.
+ Số trạm được đầu tư: 1 trạm; Số km dây được đầu tư: 17,3 km.
- Số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 100%.
- Tổng kinh phí đã đầu tư cho điện xã là 10,5 tỷ đồng.
c) Tự đánh giá: đạt.
5. Về Trường học (tiêu chí số 5).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ trường học các cấp: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia đạt 80% trở lên.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
- Toàn xã có 3/3 trường: Mầm non, tiểu học và THCS xã đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.
- Ngoài sửa chữa thường xuyên cơ sở vật chất các trường qua từng năm để đáp ứng nhu cầu dạy và học cho các trường trên địa bàn xã. Năm 2014, UBND xã đầu tư xây dựng 1 khu nhà học 2 tầng cho trường Mầm non. Tổng mức đầu tư cho các trường học giai đoạn 2011 – 2017 là 3,1 tỷ đồng.
c) Tự đánh giá: đạt.
6. Về Cơ sở vật chất văn hoá (Tiêu chí số 6).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã theo quy định.
- Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi và đảm bảo điều kiện, nội dung hoạt động chống đuối nước cho trẻ em theo quy định.
- Tỷ lệ thôn, ấp có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng. Đạt 100%.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Trung tâm văn hoá - thể thao xã đạt chuẩn theo yêu cầu trong đó:
- Nhà hội trường có sức chứa 300 chỗ ngồi, với diện tích 450m2 được xây dựng năm 2013.
- Các phòng chức năng: phòng truyền thanh đã có và đang hoạt động; còn lại các phòng: phòng truyền thống, thư viện – tủ sách pháp luật và phòng câu lạc bộ đang xây dựng, dự kiến tháng 12/2017 đưa vào sử dụng.
- Sân thể thao xã có diện tích 9.100 m2 đang xây dựng với các hạng mục: sân bóng đá kích thước 60x90m; đường Pit quanh sân kích thước 300x2,5m; 2 sân bóng chuyền và các công trình phụ trợ như: nhà vệ sinh, nhà để xe.
- Ngoài sân thể thao trung tâm, năm 2017, UBND xã đã xây dựng thêm 2 cụm sân thể thao: sân cụm thôn 1 có diện tích 6.200 m2 và sân cụm thôn 9 có diện tích 5.600m2. Các sân thể thao này sẽ phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân các cụm dân cư trên.
11/11 thôn có nhà văn hoá thôn đạt chuẩn của Bộ VHTT&DL. Trong đó có 7 thôn đã xây dựng nhà văn hóa mới và 4 thôn cải tạo nhà văn hóa cũ để đạt chuẩn.
Toàn xã có 17 điểm vui chơi, giải trí, thể thao cho nhân dân địa phương. Gồm 11 nhà văn hóa thôn, 3 sân thể thao xã và 3 nhà trường.
Tổng kinh phí đã thực hiện cho cơ sở vật chất văn hóa xã là 7,2 tỷ đồng.
c) Tự đánh giá:đạt.
7. Về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (Tiêu chí số 7): xã không quy hoạch Chợ nông thôn.
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Xã có chợ trong quy hoạch của tỉnh phải xây dựng đạt chuẩn theo quy định; xã không quy hoạch chợ thì phải có cửa hàng kinh doanh tổng hợp hoặc siêu thị mini đạt chuẩn theo quy định tại Chương II, Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 08/12/2016 của Bộ Công thương về hướng dẫn và xét công nhận tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2016 - 2020.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Thiệu Viên không quy hoạch Chợ nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2020.
Căn cứ kết quả rà soát, đánh giá các cơ sở bán lẻ trên địa bàn xã. Toàn xã có 02 cửa hàng kinh doanh tổng hợp đáp ứng được các yêu cầu tiêu chí về Cửa hàng tổng hợp của Bộ Công thương.
Danh sách 02 cửa hàng kinh doanh tổng hợp như sau:
1. Cửa hàng tổng hợp Tuấn Hưng – Thôn 3, xã Thiệu Viên
2. Cửa hàng tổng hợp Luyến Thái – Thôn 4, xã Thiệu Viên.
c) Tự đánh giá: đạt.
8. Về Thông tin và truyền thông (Tiêu chí số 8).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Xã có điểm phục vụ bưu chính theo quy định của Bộ Thông tin và truyền thông.
- Xã có dịch vụ viễn thông, internet theo quy định của Bộ Thông tin và truyền thông định.
- Xã có đài truyền thanh hoạt động theo Quyết định số 1895/2013/QĐ-UBND ngày 06/6/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa; có tối thiểu 2/3 số thôn có hệ thống loa kết nối với Đài truyền thanh xã đang sử dụng tốt.
- Xã có trang thông tin điện tử riêng hoặc có trang thông tin điện tử thành phần trên trang Cổng thông tin điện tử huyện/thị/thành phố; 80% cán bộ, công chức xã có máy vi tính phục vụ nhiệm vụ chuyên môn; UBND xã được triển khai, ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc trong xử lý, điều hành các công việc; ứng dụng phần mềm để theo dõi nhiệm vụ của UBND huyện; có ứng dụng CNTT để hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (một cửa điện tử) theo Kế hoạch hành động số 01/KH-UBND ngày 04/01/2016 và Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 15/02/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
- Xã Thiệu Viên có 1 điểm phục vụ bưu chính với tổng diện tích 350m2.
- Trên địa bàn xã có triển khai các hệ thống dịch vụ viễn thông, internet từ nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau như VNPT, Viettel… Đến nay 100% người dân trong xã sử dụng dịch vụ viễn thông và hơn 35% số hộ trong xã sử dụng dịch vụ internet băng thông rộng.
- Đầu năm 2017, UBND tỉnh đã đầu tư hỗ trợ địa phương hệ thống truyền thanh không dây trị giá 250 triệu đồng, đảm bảo chất lượng hoạt động của Đài truyền thanh xã. Toàn xã có 11/11 thôn có hệ thống truyền thanh riêng, có kết nối tốt với đài của xã.
- Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các công việc hằng ngày của UBND xã rất mạnh mẽ. 100% số cán bộ, công chức xã được trang bị máy vi tính có kết nối mạng internet. Toàn bộ hệ thống văn bản nội bộ các cấp được gửi, nhận thông qua mạng lưới email do Văn phòng UBND quản lý. Ngoài ra, các chính sách, pháp luật và các hoạt động của Đảng ủy, UBND, HĐND và các tổ chức đoàn thể ở địa phương đều được đăng tải công khai trên website: http://thieuvien.thieuhoa.gov.vn/
- Tổng kinh phí đã thực hiện là 300 triệu đồng.
c) Tự đánh giá: đạt.
9. Về Nhà ở dân cư (Tiêu chí số 9).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Trên địa bàn xã không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, dột nát.
- Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 80% trở lên.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Sau 7 năm thực hiện Chương trình, toàn xã có 187 nhà ở được xây mới, 156 nhà ở sửa chữa. Tổng kinh phí nhân dân tự đầu tư xây dựng nhà ở ước tính 124,6 tỉ đồng. Hiện nay, tổng số nhà ở dân cư trên địa bàn xã là 1312 nhà.
Trong đó:
- Số hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã: 0 hộ.
- Số nhà ở đạt chuẩn BXD có số lượng: 1217/1312 nhà (đạt 92.76%)
Nhìn chung, nhà ở dân cư trên địa bàn tuân thủ theo quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được phê duyệt.Thuận tiện cho sinh hoạt và sản xuất của các hộ gia đình.
Nhà ở của nhân dân đều xây dựng hệ thống nước thải sinh hoạt, có hệ thống thoát nước vào mùa mưa để tránh tình trạng ngập úng. Đối với các hộ chăn nuôi thì đều xây dựng hệ thống nước thải sau khi đã xử lý, có bể chứa Biogas. Các hệ thống thoát nước đều có nắp đậy.Nhà ở của các hộ gia đình đều lắp đặt đầy đủ các thiết bị chiếu sáng, thông tin nghe nhìn… được bố trí phù hợp với khuôn viên khu đất, đảm bảo mỹ quan phù hợp với yêu cầu sử dụng đất.
c) Tự đánh giá: đạt.
10. Về Thu nhập (tiêu chí số 10).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn. Năm 2017: 29 triệu đồng/người/năm.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Nhờ những kết quả đạt được trong phát triển sản xuất, đào tạo việc làm ở địa phương, những năm qua đời sống của nhân dân trong xã được nâng cao rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng trưởng. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 qua thống kê, rà soát là 29,5 triệu đồng/người/năm.
So sánh thu nhập bình quân đầu người qua 3 năm gần đây là:
Năm
2015
2016
2017
Thu nhập bình quân đầu người
(triệu đồng/người/năm)
22,6
28
29,5
c) Tự đánh giá: đạt.
11. Về Hộ nghèo (tiêu chí số 11).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 đạt ≤5%.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
- Sau khi tổng hợp, phân tích kết quả cuộc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 theo chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 thì số hộ nghèo có 91 hộ đạt tỷ lệ 6,5%. Sau khi trừ đi 41 hộ nghèo bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo đạt 3,69%. Số hộ cận nghèo có 109 hộ, đạt 7,8%.
c) Tự đánh giá: đạt.
12. Về Lao động có việc làm(tiêu chí số 12).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt trên 93%.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Tỷ lệ lao động của việc làm thường xuyên trong xã là 2.910/3.092 người, đạt 94,1%. Trong đó:
- Lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp: 1151 người;
- Lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng: 949 người;
- Lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại: 810 người;
c) Tự đánh giá: đạt.
13. Về Tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Xã có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Trên địa bàn xã có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Thiệu Viên hoạt động dịch vụ nông nghiệp cho nhân dân trong xã. Ngành nghề kinh doanh: cung cấp vật tư nông nghiệp, giống cây trồng vật nuôi, dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ tưới tiêu. Ngoài ra, HTX DV NN tham mưu cho UBND xã các khâu kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân phát triển kinh tế.
Thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, năm 2016 HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật năm 2012. HTX đã tổ chức lại bộ máy, tăng vốn góp thành viên; hoạt động của HTX thực sự có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
- Vốn góp tối thiểu của thành viên HTX: 500.000 đồng/thành viên.
- Lợi nhuận trong năm 2015: 48.445.000 đồng.
- Lợi nhuận trong năm 2016: 65.404.000 đồng.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, trong thời gian qua, HTX đã tổ chức liên kết sản xuất với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể: HTX đã tổ chức ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa thương phẩm TH31 cùng công ty TNHH giống cây trồng Trường Thành với diện tích 20 hecta, khối lượng bao tiêu vụ Chiêm xuân là 130 tấn, vụ Mùa là 120 tấn.
c) Tự đánh giá: đạt.
14.Về Giáo dục và đào tạo (tiêu chí số 14).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mực độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 trở lên.
- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông và học nghề đạt 85% trở lên.
- Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 63% trở lên.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và phổ cập trung học cơ sở: đã đạt.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc và học nghề những năm gần đây đạt trung bình 89%. Cụ thể:
- Năm học 2014 – 2015, có 48/54=88,9% em học sinh tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc và học nghề.
- Năm học 2015 – 2016, có 42/47=89,4% em học sinh tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc và học nghề.
- Năm học 2016 – 2017, có 41/46=89,1% em học sinh tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc và học nghề.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 1.892/2.910 người đạt 65,02%. Trong đó:
- Số lao động có trình độ sau đại học: 1 người;
- Số lao động có trình độ đại học: 179 người;
- Số lao động có trình độ cao đẳng: 95 người;
- Số lao động có trình độ trung cấp: 123 người;
- Số lao động có trình độ chứng chỉ nghề: 1665 người;
c) Tự đánh giá: đạt.
15. Về Y tế (tiêu chí số 15).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85% trở lên.
- Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 24,2%.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Tính đến hết tháng 10/2017, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn toàn xã là: 4439/5077người đạt 87,43%. Trong đó có 3943 người tham gia BHYT trên địa bàn huyện, 127 người tham gia BHYT trên địa bàn ngoài huyện, 168 người tham gia BHYT trên địa bàn ngoài tỉnh và 201 người tham gia BHYT đang lao động, học tập ở nước ngoài.
Về Trạm y tế:
+ Diện tích khuôn viên trạm: 1151 m2;
+ Diện tích xây dựng: 300 m2;
+ Số lượng phòng: 15 phòng;
+ Cán bộ biên chế trạm: 4 người (gồm 1 bác sỹ và 3 y sỹ);
+ Năm đầu tư xây dựng: 2004;
+ Sửa chữa, cải tạo cơ sở hạ tầng: UBND xã thường xuyên sửa chữa, nâng cấp Trạm vào các năm 2013, 2016 và 2017;
+ Đạt chuẩn quốc gia về y tế: đã đạt xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, giai đoạn 2011 – 2020 vào năm 2014.
Về tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) là 82/498 trẻ (16,46%).
Tổng kinh phí đã thực hiện cho y tế là 500 triệu đồng.
c) Tự đánh giá: đạt.
16. Về Văn Hoá (tiêu chí số 16).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định đạt 70% trở lên.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Hiện nay, xã có 11/11 thôn (100%) đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định.
c) Tự đánh giá: đạt.
17. Về Môi trường và an toàn thực phẩm (tiêu chí số 17).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch đạt ≥98% với nước hợp vệ sinh và ≥60% nước sạch.
- Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 100%.
- Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn
- Mai táng phù hợp với quy định tại Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng và đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định của Bộ Y tế; việc mai táng được thực hiện tại vị trí xác định theo quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt
- Chất thải rắn sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định
- Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt 85% trở lên.
- Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 70% trở lên.
- Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 100%.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
- Toàn xã có 100% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và 842/1.397 hộ sử dụng máy lọc nước R.O đạt 60,3% sử dụng nước sạch. Ngoài ra có 1206/1397 hộ (86,3%) có nhà tiêu hợp vệ sinh; 1342/1397 hộ (96,1%) có nhà tắm hợp vệ sinh và 100% hộ có bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
- Đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ đạt yêu cầu, nhân dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Các khu dân cư đảm bảo xanh – sạch – đẹp. Trong năm 2017, nhân dân 11 thôn đã tự đầu tư xây dựng 3.100m mương thoát nước thải có nắp đậy trong khu dân cư, kinh phí thực hiện là 650 triệu đồng.
- Xã có 7/7 nghĩa trang được quy hoạch và quản lý, sử dụng theo quy hoạch. Các nghĩa trang trên địa bàn là: nghĩa trang Mã Trào, Bản Đung, Đồng Nhồi, Mã Mốm, Cồn Cù, Cửa Lăng và Văn Phú.
- Xã có 11/11 thôn đã thành lập các tổ thu gom rác thải, chất thải rắn tập kết về khu xử lý và hoạt động rất có hiệu quả. Trạm y tế xã có đơn vị xử lý rác thải y tế riêng, đảm bảo an toàn theo quy định.
- Năm 2016, UBND đầu tư xây dựng bãi xử lý rác thải ở địa phận Thôn 8 với mức đầu tư là 350 triệu đồng. Năm 2017, UBND tiếp tục đầu tư xây dựng 1 bãi xử lý rác thải trên địa phận thôn 3, ước tính mức đầu tư là 300 triệu đồng.
- Các hộ, các cơ sở chăn nuôi, chế biến, sản xuất kinh doanh đều cam kết và thực hiện tốt cam kết về đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trên địa bàn có 1 trang trại và 2 gia trại chăn nuôi tập trung, các cơ sở chăn nuôi đều đảm bảo tốt việc thực hiện vệ sinh môi trường. Ngoài ra, có 248/310 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 80%.
- Tổng kinh phí thực hiện là 1,5 tỉ đồng.
c) Tự đánh giá: đạt.
18. Về Hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật(tiêu chí số 18).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Cán bộ, công chức xã đạt chuẩn đạt 100%.
- Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định.
- Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn "trong sạch, vững mạnh"
- Tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên đạt 100%.
- Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định
- Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
Trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền, công chức, cán bộ và nhân dân xã Thiệu Viên luôn cố gắng phấn đấu và hoàn thành các nội dung của Tiêu chí số 18 về Hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật.
* Cán bộ, công chức xã đạt chuẩn là 20/20 người đạt 100%.
* Hệ thống chính trị cơ sở: Tổ chức Đảng; Chính quyền và Đoàn thể chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã có đầy đủ.
* Đảng bộ, chính quyền xã đạt chuẩn “Trong sạch, vững mạnh”.
* 100 các tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên.
* Xã đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định.
* Xã đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội:
- Xã có đồng chí Nguyễn Thị Tú là nữ lãnh đạo chủ chốt (Phó Bí thư Đảng ủy).
- 100% phụ nữ thuộc hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các nguồn tín dụng của Quỹ tín dụng nhân dân xã Thiệu Viên, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thiệu Hóa.
- Không có trường hợp tảo hôn, cưỡng ép kết hôn xảy ra trên địa bàn.
- Hàng tháng có bài tuyên truyền về bình đẳng giới trên hệ thống truyền thanh của xã.
- 11/11 thôn có địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cho các nạn nhân bị bạo lực giới và bạo lực gia đình.
c) Tự đánh giá: đạt.
19. Về Quốc phòng và an ninh(tiêu chí số 19).
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng.
- Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên: không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước.
b) Kết quả thực hiện tiêu chí:
* Về quốc phòng:
Thiệu Viên đã xây dựng được lực lượng dân quân vững mạnh, rộng khắp; thực hiện tốt việc tuyển chọn và gọi công dân đi nhập ngũ hằng năm theo quy định.
Hệ thống sổ sách, kế hoạch của Ban chỉ huy quân sự xã thường xuyên được kiện toàn, bổ sung. Hằng năm, tổ chức tập huấn, huấn luyện cho dân quân năm thứ nhất, dân quân cơ động đạt kết quả tốt. Công tác tuyển quân nhập ngũ hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
* Về an ninh:
Hằng năm, Đảng ủy, UBND ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch về công tác Quốc phòng – an ninh. Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội. Công an xã đạt danh hiệu tiên tiến. Trên địa bàn không có hoạt động chống Đảng, Chính quyền, phá hoại kinh tế, truyền đạo trái pháp luật, khiếu kiện đông người kéo dài…Không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, không phát sinh thêm người mắc các tệ nạn XH. Không có trọng án xảy ra trên địa bàn cơ sở.
Trên địa bàn xã có 10/11 thôn đạt chuẩn về an ninh trật tự.
c) Tự đánh giá: đạt.
V. Đánh giá chung
1. Những mặt đã làm được
Xác định xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hợp lòng dân, mục tiêu xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, diện mạo của nông thôn ngày càng đổi mới. Sau 7 năm từ năm 2011 đến nay, cấp Ủy, Chính quyền đã triển khai, lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở địa phương có những mặt đã làm được như sau:
- Đã làm tốt được công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong xã. Về vấn đề nhận thức đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên đã được nâng cao rõ rệt, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức ngày càng nâng cao; không có cán bộ, Đảng viên vi phạm pháp luật. Đã phát huy được tinh thần dân chủ trong nhân dân, thể hiện được tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, người dân thực sự tin tưởng vào Đảng vào Chính quyền địa phương và có trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh.
- Về phát triển kinh tế được cấp Ủy thường xuyên quan tâm tăng cường chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nhằm nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất đồng bộ, liên doanh, liên kết sản xuất nâng cao hiệu quả sản xuất với phương châm giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ - thương mại. Năm 2011, Nông nghiệp - Thủy sản chiếm 39%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 25%, Dịch vụ - Thương mại chiếm 36%. Đến năm 2016, cơ cấu kinh tế Nông nghiệp - Thủy sản chiếm 30%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm 26%, Dịch vụ - Thương mại chiếm 44%. Bên cạnh phát triển nông nghiệp, phải quan tâm đẩy mạnh hoạt động công nghiệp, tiểu thu công nghiệp, ngành nghề cho người lao động, trước mắt mũi nhọn là xuất khẩu lao động. Hiện nay, toàn xã có khoảng 2.900 lao động, trong đó số lao động xuất khẩu là 196 người. Ngoài ra, còn một lượng lớn lao động trong nghề xây dựng và lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Mỗi năm, ước tính tổng thu nhập từ lực lượng lao động này đạt hơn 100 tỉ đồng. Từ hiệu quả thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Nhân dân có điều kiện chỉnh trang nhà ở dân cư, khu dân cư, bộ mặt nông thôn đổi mới rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã năm 2011 là 17,8% đến năm 2016 giảm còn 3,69%; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 13,2 triệu đồng/người/năm tăng lên 29,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2016.
- Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục, 3 trường vẫn giữ vững danh hiệu Trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Trường tiểu học xã đang phấn đấu đạt chuẩn mức độ 2. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế từ năm 2014. Phong trào toàn dân đoàn kết, đô thị văn minh được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực, đã thành lập được các ngõ tự quản, tình làng nghĩa xóm được nâng lên, thân thiện và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Trong phát triển kinh tế hộ, chấp hành pháp luật, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang, 11 thôn và 3 nhà trường được công nhận là thôn làng văn hóa và trường học có nếp sống văn hóa.
- Công tác quốc phòng – an ninh được giữ vững. Hằng năm, cấp Ủy đều xây dựng Nghị quyết lãnh đạo công tác quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác huấn luyện dân quân; hoàn thành các chỉ tiêu tuyển quân. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, không có các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra.
- Dân chủ trong nhân dân được phát huy, thường xuyên làm tốt công tác công khai dân chủ. Do đó, không có biểu hiện đơn thư ở địa phương. Hệ thống chính trị được tăng cường, hoạt động có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ được quy hoạch, đào tạo cơ bản, 100% cán bộ, công chức đạt chuẩn theo quy định.
- Đảng bộ luên tục được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Chính quyền, MTTQ và các Đoàn thể đều được cấp trên đánh giá là đơn vị vững mạnh, hằng năm đều được khen thưởng.
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
*Hạn chế:
Công tác tuyên truyền vẫn còn hạn chế, nhận thức của một bộ phận nhân dân và một số cán bộ đảng viên, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chung tay xây dựng NTM.
Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền vẫn còn một số hạn chế, một số ít thành viên chưa thể hiện tốt công tác tham mưu BCĐ, cấp Ủy, chính quyền trong việc xây dựng các giải pháp để tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
*Nguyên nhân:
Xuất phát điểm của xã còn thấp, trong khí nguồn lực của cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Chương trình triển khai vào thời kỳ suy thoái kinh tế, việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn.
Về chủ quan, nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, vẫn còn có tư tưởng thụ động, trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là từ ngân sách Trung ương.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền vẫn còn những chỗ thiếu sâu sát, quyết liệt; sự tham gia của một số tổ chức cơ sở Đảng và đoàn thể vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, tiêu chí, cơ chế chính sách có một số điểm chưa phù hợp, vận dụng máy móc kém hiệu quả, thậm chí gây lãng phí nguồn lực; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chậm phát huy hiệu quả như mong đợi.
3. Bài học kinh nghiệm
Trong quá trình quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cần rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, mục tiêu xây dựng NTM nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; đồng thời phải làm cho mọi tầng lớp nhân dân coi việc xây dựng NTM là việc của dân, người dân là chủ thể đóng góp vai trò quyết định trong việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở địa phương.
Hai là, nâng cao nhận thực của các cấp Ủy, Chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong việc tổ chức thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn phát huy được tinh thần trách nhiệm, giương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là phát huy được trách nhiệm của người đứng đầu; đây là yếu tố quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ba là, trong quá trình tổ chức thực hiện phải xây dựng được kế hoạch, lộ trình, thời gian cụ thể cho từng năm; phải phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo trên cơ sở kế hoạch hàng tháng, hàng quý và hàng năm.
Bốn là, phải thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhân dân, phát huy tính chủ thể của người dân trong việc tham gia bàn bạc, quyết định những nội dung, phần việc mà nhân dân góp sức tham gia xây dựng nông thôn mới.
Năm là, phải khơi dậy được sức mạnh và sự đồng thuận của toàn dân trong việc tham gia nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, đồng thời phải động việc khích lệ sự đóng góp của con em xa quê chung tay hướng về quê hương xây dựng NTM và phải có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp Nhà nước trong xây dựng NTM ở địa phương.
VI. Kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới
1. Quan điểm
Hoàn thành xã đạt chuẩn NTM không có nghĩa là dừng lại Chương trình xây dựng NTM ở địa phương, bởi ngoài những tiêu chí NTM đạt được ở mức độ “chắc” thì vẫn có những tiêu chí rất dễ biến động như Tiêu chí về Hộ nghèo, tiêu chí về tỷ lệ người dân tham gia BHYT…
2. Mục tiêu
Thường xuyên rà soát lại tất cả các tiêu chí NTM và xây dựng kế hoạch, giải pháp củng cố, và nâng cao chất lượng các tiêu chí với quyết tâm không để tiêu chí nào “rớt chuẩn”. Đặc biệt là những tiêu chí có khả năng biến động như: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, môi trường, trường học, văn hóa...
3. Nội dung nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới
BCĐ xây dựng NTM xã phối hợp cùng UBND xã thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng từng tiêu chí để kịp thời có giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng. Địa phương xây dựng NTM với quyết tâm không để cho tiêu chí nào "rớt" so với yêu cầu, đặc biệt là đối với những tiêu chí có khả năng biến động như môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người, trường học...
Kế hoạch những năm tiếp theo trong giai đoạn 2017 – 2020, địa phương tiếp tục củng cố hệ thống thủy lợi nội đồng, đầu tư xây dựng cầu cống, nạo vét kênh mương và cứng hóa đạt chuẩn một số kênh mương chính... bảo đảm phục vụ sản xuất. Cùng đó, xã tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất cho các trường học, trạm y tế xã và công sở UBND xã. Đối với hệ thống đường giao thông, địa phương sẽ tiến hành tu sửa, nâng cấp mở rộng một số tuyến liên thôn, xây dựng hệ thống thoát nước…
Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, mặc dù đã có 100% thôn, xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn nhưng xã sẽ thường xuyên chỉ đạo các thôn, xóm tu sửa, xây dựng hoàn chỉnh sân, công trình vệ sinh và mua sắm đầy đủ trang thiết bị như loa đài, bàn ghế... phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân.
Xác định rõ, trong xây dựng NTM, mục đích cuối cùng là làm cho đời sống của người dân địa phương ngày càng được cải thiện, nâng cao, Thiệu Viên không chỉ quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng mà Đảng ủy, chính quyền địa phương còn đề ra nhiều giải pháp giúp người nâng cao thu nhập về sản xuất nông nghiệp và sản xuất thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.
Trên đây là báo cáo kết quả rà soát, đánh giá quá trình triển khai và thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM trên địa bàn xã Thiệu Viên trong năm 2017.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ
CHỦ TỊCH
Nghiêm Quang Hải
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC

CHI TIẾT